Để luật thuế sử dụng đất mới phát huy tác dụng, cần phải thực hiện các điều kiện sau đây:
Trước hết, Luật thuế sử dụng đất cần được ban hành đồng bộ với các Nghị định, Thông tư quy định hướng dẫn chi tiết thi hành cụ thể, rõ ràng theo những quan điểm nhất quán, gắn với các chính sách về quản lý, giao đất, cấp GCN… thuận tiện cho việc xác định QSDĐ từng loại cho các đối tượng nộp thuế khác nhau. Cần xác định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cơ quan tài chính, thuế, địa chính, quản lý đô thị… để thực hiện tốt chương trình chuẩn bị và triển khai Luật thuế sử dụng đất.
Hiện nay, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đảm bảo mục tiêu và yêu cầu cải cách thuế giai đoạn 2. Thuế sử dụng đất là một loại thuế thuộc hệ thống thuế quốc gia có quan hệ với các luật thuế khác trong việc đảm bảo mục tiêu quản lý và động viên NSNN. Do vậy, việc hoàn thiện thuế sử dụng đất phải tiến hành đồng thời với việc hoàn thiện các sắc thuế khác.
Quá trình xây dựng và ban hành luật thuế sử dụng đất không thể tách rời với quá trình hoàn thiện giá đất. Vì vậy, để luật thuế sử dụng đất sớm đi vào thực hiện và thực hiện có hiệu quả, Nhà nước cần có chính sách thích hợp cho việc hình thành và phát triển thị trường bất động sản, nên lập các cơ quan chuyên trách về định giá bất động sản như các nước đang làm.
Cơ quan địa chính sớm hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ và hồ sơ địa chính, cấp GCN QSDĐ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo đúng chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, tạo căn cứ cho yêu cầu quản lý đầy đủ hiện trạng sử dụng đất chung của cả nước và từng địa phương. Đồng thời, phải phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện quy hoạch cụ thể cho từng vùng đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, các khu dân cư, các vùng sản xuất công nghiệp tương đối ổn định để có căn cứ xem xét xây dựng giá tính thuế sát với thực tế, điều kiện sinh lợi của từng địa phương và thông báo rộng rãi cho dân cư biết.
Số thu từ thuế suất sử dụng đất nên được phân cấp 100% cho ngân sách địa phương để khuyến khích và tranh thủ được sự lãnh đạo và chỉ đạo thường xuyên của cấp uỷ chính quyền từng cấp về sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc xác định diện tích sử dụng, quy định giá đất tính thuế, tổ chức quản lý, thu thuế và xử lý vi phạm theo pháp luật. Đồng thời, cũng tăng cường được tính chủ động của chính quyền cơ sở trong việc đầu tư phát triển kinh tế – xã hội địa phương bằng nội lực.
Cuối cùng, như tất cả các luật thuế khác, muốn thực hiện hiệu quả thuế suất sử dụng đất, cần phải cải tiến trong công tác quản lý; thực hiện tốt cơ chế tự kê khai thuế của người nộp thuế.
Tóm lại, để thuế sử dụng đất có thể đi vào hoạt động có hiệu quả, công tác chuẩn bị điều kiện cần phải thực hiện tốt, nếu có thể, nên thực hiện thí điểm ở một số địa phương đã có điều kiện triển khai để rút kinh nghiệm trước khi thực hiện rộng rãi trên toàn quốc.